Qua nay có một số bạn có nhắn tin cho mình hỏi làm sao nuôi cá cảnh rất hay bị chết dù đã làm theo đúng hướng dẫn khi mua cá. Chính vì thế hôm nay mình sẽ viết một bài viết tập chung vào hướng dẫn cách nuôi cá cảnh không bị chết dành cho anh em mới chơi cá cảnh.
Bạn mới tham gia vào thú chơi cá cảnh và đã dành khá nhiều thời gian để có được một bể thuỷ sinh đẹp. Thế nhưng bạn vẫn vấp phải những sai sót khi nuôi khiến cá cảnh bị chết. Bài viết hôm nay, Nuôi Thú sẽ chia sẻ tới bạn đọc cách nuôi cá cảnh không bị chết. Giúp bạn biết cách chăm sóc cá cảnh khoẻ mạnh.
Mục lục
Chọn bể nuôi cá
Không nên nuôi cá bằng các bể quá nhỏ hay chậu thuỷ tinh vì sẽ không cung cấp đủ oxy cho cá. Mặt khác, bể quá nhỏ cũng khiến nước nhanh bẩn, cá dễ mắc bệnh hơn vì bạn phải thay nước liên tục. Nếu dùng các bể cỡ nhỏ, bạn chỉ nên nuôi cá có khả năng chống chịu tốt trong môi trường ít oxy mà thôi. Bể cá phù hợp với đại đa số các loài cá cảnh hiện nay nên có chiều dài tối thiểu 50cm và chỉ thả cá ở mức độ vừa phải, tránh tình trạng cá đánh nhau và thiếu oxy.
Chất lượng nước
Không nuôi cá bằng nước máy vì nguồn nước này có chứa clo làm cá bị chết. Nếu đây là nguồn nước duy nhất của nhà bạn thì phải lắp đặt hệ thống lọc nước đảm bảo để cho ra chất lượng nước tốt nhất. Nếu có nuôi thì phải khử hết clo trong nước máy và phơi nắng thì mới nuôi được nhé.
Nước giếng khoan, nước nhiễm phèn hay kim loại nặng đều không phải là môi trường cho cá tồn tại. Vì thế, trong tình thế bắt buộc vẫn phải sử dụng thì cần lọc kỹ càng, lắp đặt hệ thống sục khí mạnh để tăng cường oxy và pH cho cá.
Trước khi nuôi cá thì các bạn nên để hệ thống lọc và sủi chạy liên tục từ 1 đến 2 ngày để tạo ra môi trường nuôi cá cảnh tốt nhất.
Nhiệt độ và ánh sáng
Nhiệt độ giảm sâu vào mùa đông nên bể cá cần có nắp đậy để không làm thoát nhiệt nước. Bên cạnh đó, cần lắp đặt thêm máy sưởi để duy trì nhiệt độ thích hợp cho cá trong khoảng 25 đến 30 độ C.
Nước quá lạnh hoặc thường xuyên bị thay đổi do nuôi trong cá bể cá cỡ nhỏ chính là nguyên nhân hàng đầu khiến cá chết. Cho nên, khi thay nước bạn nên chú ý cân bằng nhiệt độ giữa nước mới và nước trong bể, tránh để cá sốc nhiệt.
Cách thay nước
Không được thay toàn bộ nước trong bể một cách đột ngột vì sẽ làm cá sốc nước và chết. Bạn cần thực hiện theo quy trình sau:
- Dùng ống nhựa rà hết một lượt dưới đáy bể để hút hết các chất cặn bã, thức ăn thừa đến khi nào lượng nước trong bể chỉ còn một nửa thì dừng lại và thêm nước mới vào.
- Chỉ nên thay nước từ 1 đến 2 lần mỗi tuần tuỳ loại cá và chất lượng của nước. Mỗi lần thay không quá nửa thể tích của bể.
- Nhiều anh em có thay nước song cá tự nhiên lăn ra chết. Mình có hỏi thì lý do là sử dụng nước máy để thay mà quên không khử clo trong nước máy. Anh em mới chơi cá thường hay bị dính cái lỗi rất đơn giản này nhé.
Cách chuyển cá sang bể mới
Thường xuyên chuyển cá sang bể khác sẽ khiến cá bị căng thẳng, nhút nhát hoặc tổn thương vây, thân mình. Điều này có thể khiến chúng bỏ ăn, ít hoạt động,… Cho nên cần hạn chế thay đổi bể cá và nếu bắt buộc phải chuyển thì cần chú ý tới nồng độ pH, nhiệt độ và chất lượng nước giữa 2 bể.
Số lượng và kích thước cá cảnh
Nuôi nhiều cá trong một bể không đủ kích cỡ cũng khiến cá dễ chết bởi lượng oxy không đủ cung cấp, chất lượng nước kém và nước nhanh đục. Bể quá nhỏ so với kích thước của cá sẽ làm chúng khó khăn trong di chuyển, không đủ không gian hoạt động và thiếu oxy. Nước cũng nhanh bẩn hơn và cá dễ bị căng thẳng hoặc mắc bệnh.
Nói chung, chỉ nên nuôi cá với mật độ vừa phải so với thể tích của bể thuỷ sinh. Cần kết hợp với hệ thống lọc nước, sục khí hiệu quả cao để có chất lượng nước tốt nhất. Giữa kích thước bể và cá cần có sự cân bằng, miễn sao đảm bảo cho chúng có không gian thoải mái để hoạt động.
Ngoài ra thì một số loài cá cảnh dễ nuôi không cần nhiều oxy dễ nuôi dành sẽ giúp những anh em mới chơi làm quen với thú chơi cá cảnh này hơn. Điều này sẽ hạn chế tối đa việc cá cảnh bị chết do anh em thiếu kinh nghiệm.
Dinh dưỡng cho cá cảnh
- Không nên cho cá ăn quá nhiều vì chúng chỉ hấp thụ được một lượng nhất định. Cá ăn quá no sẽ bị bội thực mà chết. Phần dư thừa sẽ bị đào thải làm bẩn nước.
- Không cho cá ăn các loại thức ăn cho cá không phù hợp làm chúng bỏ ăn.
- Đối với cá cảnh ăn thịt tươi hoặc động vật sống cần đảm bảo thức ăn vừa miệng cá. Tránh để cá bị hóc. Riêng tôm, tép phải cắt bỏ càng và râu để không gây tổn thương cho cá.
- Có thể cho cá ăn mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều. 15 phút sau khi cho ăn có thể dùng ống nhựa hút thức ăn thừa, kết hợp nuôi kèm cá dọn bể.
- Bạn cũng tham khảo thêm các loại thức ăn cho cá để phù hợp với cá cảnh các bạn đang nuôi.
Tổng kết
Để nuôi cá cảnh phát triển toàn diện, có sức đề kháng cao và các chú cá sẽ gắn bó với bạn dài lâu thì cần chú ý những yếu tố sau:
- Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cá, lựa chọn thức ăn có sức đề kháng cao
- Chỉ cho cá ăn một lượng thức ăn vừa đủ.
- Bể thuỷ sinh cần lắp đặt hệ thống lọc nước, sục khí
- Hoà muối trong bể để tăng sức đề kháng cho cá theo tỷ lệ phù hợp với kích thước bể.
- Khi thay nước việc cần làm là khử clo trong nước máy để cá không bị chết.
- Tìm hiểu tập tính của các loài cá trước khi có ý định nuôi chung một bể. Có loài hung dữ, có loài thích bám víu và cắn rỉa những loài cá lớn chậm chạp,…
- Không nuôi các loài cá chênh lệch quá nhiều về kích thước vì có thể xảy ra tình trạng cá lớn nuốt cá bé
Như vậy, bài viết trên đây vừa đưa ra những yếu tố cơ bản nhưng rất quan trọng dành cho những ai đang nuôi cảnh. Đây cũng chính là cách nuôi cá cảnh không bị chết mà nhiều người đang thắc mắc. Mong rằng, những chia sẻ này sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để chăm sóc bể cá cảnh của mình một cách tốt nhất.