Chim sáo là loài chim không còn xa lạ với nhiều người. Loài chim này xuất hiện trong nhiều câu truyện, câu hát từ xa xưa với khả năng bắt trước tiếng người rất giỏi. Cũng bởi thế mà chim sáo được nhiều người ưa chuộng tìm nuôi. Nếu bạn cũng là người ưa thích và muốn nuôi một chú chim sáo thì có thể tham khảo những kinh nghiệm sau đây.
Đặc điểm chung của chim Sáo
Chim sáo có kích thước nhỏ, chiều dài tối đa chỉ khoảng 30cm khi trưởng thành cùng cân nặng không quá 300g. Loài chim này rất nhanh nhẹn và khá hung dữ với phần đầu nhỏ, dẹt cùng cặp mỏ dài và cứng.
Mắt chim sáo có màu nâu hoặc đen tùy theo màu lông. Chúng có cổ dài, lưng thẳng, bụng ưỡn, phần thân phát triển lệch, to hơn nhiều so với phần đầu. Chân sáo khá nhỏ, mỗi chân được chia thành 3 ngón dài có móng nhọn cùng 1 ngón ngắn phía sau.
Chim sáo có bộ lông 2 lớp với một lớp mềm bên trong và lớp lông cứng bao phủ bên ngoài. Lớp lông bên trong có màu tàn thuốc ngắn và rất mềm trong khi lớp lông bên ngoài dài và cứng hơn. Chim sáo có nhiều màu nhưng phổ biến nhất là 3 màu đen, nâu và đốm sao.
Nếu bạn muốn chọn nuôi chim sáo thì nên lựa những con khỏe, các bộ phận to đẹp và hoạt động nhanh nhẹn.
Kinh nghiệm nuôi chim Sáo
Khi nuôi chim sáo, tốt nhất bạn nên chọn những con còn nhỏ và nuôi dạy từ đầu. Bởi lẽ, như đã nói ở trên loài chim này khi trưởng thành khá hung dữ nếu tiếp xúc với người lạ. Tuy nhiên, cũng nhờ đặc điểm này mà chim sáo giữ nhà rất tốt, không cần tập luyện nhiều, khi có khách lạ là chúng sẽ kêu hoặc gọi chủ ngay lập tức. Khi mới nuôi sáo, không nên thả rông mà phải nhốt vào lồng và đặt ở nơi yên tĩnh để chim có cảm giác an toàn, không hoảng sợ.
Chim sáo khá dễ nuôi, chúng có thể ăn được nhiều loại thức ăn như sâu bọ, cơm, các loại hoa quả hay các loại thức ăn viên bán sẵn trên thị trường. Nuôi nhốt chim sáo có thể chọn lồng tre hoặc lồng sắt đều được vì loài chim này ít phá chuồng. Chỉ cần lưu ý cửa lồng sao cho chắc chắn vì sáo thường dùng mỏ cạy cửa bay đi mất. Nên cho chim tắm và mang ra ngoài phơi nắng theo định kỳ để chúng dạn người hơn.
Cũng giống như nhiều loài chim khác, sáo cũng có thể mắc một vài bệnh như viêm phổi hoặc tiêu chảy. Vì vậy, để giữ cho chú sáo của mình luôn khỏe mạnh, linh hoạt thì chúng ta cần lưu ý chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng. Vệ sinh cẩn thận lồng chim theo định kỳ, đảm bảo mức nhiệt phù hợp cho chim, tránh để chim quá lạnh hoặc quá nóng.
Chim sáo nổi bật ở khả năng bắt trước tiếng người. Vì thế, vào giai đoạn chim tập nói(khoảng 6 tháng tuổi), bạn nên di chuyển lồng chim tới nơi yên tĩnh và đậy lại bằng vải đen. Chỉ khi cho chim ăn mới tháo vải ra và nói chuyện với chim khoảng 20 phút. Thời gian đầu nên dạy sáo những câu đơn giản, ngắn rồi mới nói những câu dài, phức tạp sau. Lập lại liên tục một thời gian tới khi sáo nhớ và nói thành thục thì thôi.
Lưu ý, dạy sáo nói hiệu quả nhất là thời gian lúc chiều tối hoặc lúc sáo đang ngủ. Sáo sẽ bắt trước đúng tiếng người dạy chúng và thời gian dạy sáo nói khá lâu, khoảng 5 đến 6 tháng nên cần phải kiên trì.
Trên thị trường hiện nay, mức giá của chim sáo dao động khá nhiều phụ thuộc vào giống, ngoại hình và nơi bán. Theo tìm hiểu, để sở hữu một chú chim sáo đẹp, bạn sẽ phải bỏ ra từ 300.000 đến 1.000.000 đồng.
Như vậy, bài viết trên đây đã chia sẻ những thông tin cùng kinh nghiệm cần thiết giúp bạn đọc tham khảo trước khi có ý định nuôi chim sáo. Hy vọng, bài viết này sẽ hữu ích với bạn. Nếu bạn có thắc mắc, đừng ngại để lại bình luận phía dưới bài viết, chúng tôi sẽ nhanh chóng trả lời. Đừng quên theo dõi những bài viết khác của Nuôi Thú để hiểu hơn về các loài thú nuôi hiện nay nhé.